Khám phá các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam

Rate this post

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam được chính thức áp dụng từ 1/7/2022. Không chỉ được thay đổi bìa sang màu xanh tím, mỗi trang bên trong cuốn hộ chiếu mới là hình ảnh phong cảnh, di sản văn hoá và hình tượng về chủ quyền quốc gia. Các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam không chỉ góp phần quảng bà hình ảnh của nước ta ra thế giới, mà còn thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước. Hãy cùng May Travel tìm hiểu về những địa danh nổi tiếng nào được xuất hiện trong cuốn hộ chiếu mới của nước ta nhé!

Tổng hợp các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam

Những biểu tượng du lịch, di sản văn hóa như vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, Khuê Văn Các, phố cổ Hội An, cột cờ Lũng Cú,… được tái hiện một cách tinh tế và in chìm trên từng trang của hộ chiếu. Mỗi địa danh được in trải dài từ trang 4 – 47 và sắp xếp theo thứ tự từ Bắc đến Nam, mỗi địa danh chiếm hai mặt trang của hộ chiếu. 

Trang 4-5: Khuê Văn Các – Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Khuê Văn Các là biểu tượng biểu trưng chính thức của thủ đô Hà Nội. Công trình được xây dựng trong Văn Miếu từ năm 1805 với một lầu, hai tầng và tám mái theo lối trùng điểm. Tên gọi Khuê Văn Các được lấy cảm hứng từ chòm sao Khuê – ngôi sao chủ về tri thức và trí tuệ, đồng thời nhấn mạnh chân lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” được khắc trên bia Văn Miếu. 

Khuê Văn Các nằm ở trang 4 – 5 của hộ chiếu

Trang 8-9: Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cột cờ nằm ở độ cao 1.470m so với mặt nước biển và lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam. 

Cột cờ Lũng Cú cách điểm cực Bắc của nước ta khoảng 3.3km theo đường chim bay. Trong các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam thì địa điểm này mang ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia. 

Cột cờ lũng cú mang ý nghĩa biểu tượng chủ quyền quốc gia

Trang 10-11: Đỉnh Fansipan (Lào Cai)

Nằm ở độ cao 3,143m so với mực nước biển, đỉnh Fansipan được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Du khách có thể leo lên đỉnh núi bằng cáp treo hoặc trekking chinh phục ngọn núi bằng chính đôi chân của mình. Đứng từ trên đỉnh Fansipan, du khách sẽ được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, núi non hùng vĩ và hít thở bầu không khí trong lành.

“Nóc nhà Đông Dương” Fansipan nằm ở độ cao 3,143m so với mực nước biển

Trang 12-13: Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao 1.000m – 1.600m so với mực nước biển trên diện tích hơn 2.354km2, trải rộng trên 4 huyện của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Nơi đây có 11 hệ tầng địa chất, trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại hơn 545 triệu năm.

Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm đến khám phá yêu thích của cả du khách trong nước và quốc tế. Nếu đứng trên một đỉnh núi cao và phóng tầm mắt, chúng ta sẽ thấy các núi đá được xếp thành hàng rào vững chắc và ôm trọn lấy những ngôi nhà nhỏ bé của người dân nơi đây. 

Cao nguyên đá Đồng Văn với các tầng địa chất có niên đại hàng trăm triệu năm

Trang 14-15: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Vịnh Hạ Long là một trong các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam tiếp theo. Vịnh gồm 1600 hòn đảo đá vôi nằm rải rác trong khu vực rộng 1500 km2, tạo nên khung cảnh hùng vĩ và đầy ấn tượng. Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2010.

Vịnh Hạ Long 2 lần được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới

Trang 16-17: Đền Hùng (Phú Thọ)

Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng, thuộc đất Phong Châu – vốn là đất kế đô của nước Văn Lang xưa. Toàn bộ di tích đền Hùng gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng. Với địa thế cao và hùng vĩ, quần thể di tích đền hùng tạo nên một không gian thiêng liêng, hùng vĩ, đầy khí thiêng sơn thuỷ hội tụ.

Đền Hùng là nơi người Việt hướng về mỗi dịp giỗ Tổ

Trang 18-19: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)

Một trong các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam tiếp theo đó là hoàng thành Thăng Long. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử vàng son hàng nghìn năm của nước ta, từ thời Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn và tồn tại cho đến ngày nay. 

Qua thăng trầm lịch sử, hoàng thành Thăng Long bị tàn phá, sửa chữa và xây dựng trên nền đất cũ. Nhưng đến nay hầu hết công trình nguyên thủy đã không còn. Dẫu vậy đây vẫn là trung tâm quyền lực của cả nước và thu hút khách du lịch của Hà Nội. 

Hoàng thành Thăng Long trải qua nhiều vương triều phong kiến Việt Nam

Trang 22-23: Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)

Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội 44 km về phía tây. Đây là một trong những làng cổ lâu đời được duy trì với kiến trúc đặc trưng và lối sống truyền thống đậm chất Bắc Bộ. Làng có hàng trăm ngôi nhà cổ, trong đó có những ngôi nhà đã tồn tại hơn 300, 400 năm. Đặc biệt, Đường Lâm còn là quê hương của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền,…

Làng cổ Đường Lâm đậm nét kiến trúc Bắc Bộ xưa

Trang 24-25: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)

Quần thể danh thắng Tràng An là một trong các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam, gồm liên khu danh thắng Tràng An, Tam Cốc, Bích Động, cố đô Hoa Lư và rừng đặc dụng Hoa Lư. Đây cũng là di sản “kép” duy nhất của nước ta được UNESCO công nhận. Không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà Tràng An còn mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh. 

Quần thể danh thắng Tràng An mang đậm nét văn hóa và tâm linh

Trang 26-27: Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)

Thành nhà Hồ cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 45km. Đây là một trong những tòa thành hiếm hoi được xây dựng bằng đá vẫn còn tồn tại trên thế giới, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách cả trong và ngoài nước. Thành nhà Hồ không chỉ đại diện cho một phần quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mà còn có giá trị cao về văn hóa và kiến trúc của nước ta. 

Thành nhà Hồ mang giá trị cao về văn hóa và kiến trúc nước ta

Trang 28-29: Kinh Thành Huế (Thừa Thiên – Huế)

Kinh thành Huế là nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong hơn 140 năm (1805 – 1945). Dù các triều đại vua chúa Nguyễn đã suy tàn, nhưng kinh thành Huế vẫn lưu giữ những tinh hoa của công trình kiến trúc xưa. Hiện nay, một số công trình và kiến trúc bên trong kinh thành vẫn nguyên vẹn và in đậm dấu ấn thời gian.

Kinh thành Huế là nơi đóng đô của nhà Nguyễn trong hơn 140 năm

Trang 30-31: Phố cổ Hội An (Quảng Nam)

Hội An vốn là thương cảng đông đúc và sầm uất nhất dưới thời Nguyễn. Vì vậy kiến trúc, văn hóa nơi đây là sự giao thoa giữa Việt Nam và các nước phương Đông khác (Nhật Bản, Trung Quốc,…). Phố cổ Hội An có tổng cộng 1360 di tích, bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 23 đình, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 44 mộ cổ đặc biệt và 1 cây cầu. 

Không ồn ào náo nhiệt, phố cổ Hội An mang vẻ bình lặng và cổ kính. Sức hấp dẫn của phố cổ 400 năm tuổi đến từ những kiến trúc cổ, mái ngói rêu phong hay các con phố đèn lồng đầy màu sắc. 

Phố cổ Hội An giao thoa giữa văn hóa Việt và các nước phương Đông

Trang 32-33: Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể di sản mang kiến trúc của người Chăm Pa cổ thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Khu vực này rộng hơn 2km với 20 ngôi đền tháp khác nhau mang nét kiến trúc tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của người Chăm. 

Thánh địa Mỹ Sơn được phát hiện vào năm 1885 và được được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1995.

Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể đền đài của người Chăm Pa cổ

Trang 34-35: Cổng Tò Vò đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Điểm đến tiếp theo trong danh sách các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam đó là cổng Tò Vò nằm trên đảo Lý Sơn. Cổng Tò Vò là vòm đá cao 2.5m nằm vươn ra biển trời bao la. Chính nham thạch từ hệ thống núi lửa sau khi rơi xuống biển và đông lại theo thời gian đã tạo nên chiếc cổng đặc biệt này. Thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp độc đáo, cổng Tò Vò chính là điểm check-in hàng đầu khi đặt chân đến đảo Lý Sơn.

Cổng Tò Vò được hình thành từ dung nham núi lửa qua hàng triệu năm

Trang 36-37: Thác Dray Sap (Đắk Nông)

Thác Dray Sap là niềm tự hào của người dân Đắk Nông nói riêng và  mảnh đất Tây Nguyên nói chung. Thác nằm ở vị trí nối liền giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, đổ xuống từ độ cao hơn 20m và chiều rộng lên đến gần 100m. Thác Dray Sap chảy xiết quanh năm, tung bọt trắng xóa tạo thành một khung cảnh vô cùng hùng vĩ và hoang dại. 

Thác Dray Sap đầy hùng vĩ 

Trang 38-39: Bến Nhà Rồng (TPHCM)

Bến Nhà Rồng mang ý nghĩa lịch sử quan trọng khi là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Công trình làm mang nét cổ kính hòa trộn giữa Á và Âu. Đến đây, du khách không chỉ được nhìn ngắm dòng sông Sài Gòn thơ mộng mà còn cơ hội tìm hiểu về các sự kiện lịch sử của dân tộc. Với những giá trị đó, bến Nhà Rồng đã trở thành địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến thành phố mang tên Bác.

Bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước khỏi ách đô hộ

Trang 40-41: Giàn khoan mỏ dầu Bạch Hổ (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Mỏ dầu Bạch Hổ thuộc bồn trũng Cửu Long cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145km, là mỏ cung cấp dầu chủ yếu cho nước ta với trữ lượng dự kiến trên 500 triệu tấn. Hình ảnh của các giàn khoan tại mỏ dầu Bạch Hổ cũng là một trong các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam.

Bạch Hổ là mỏ cung cấp dầu chủ yếu cho nước ta

Trang 46-47: Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn là công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Nhà hát Lớn được chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 nên mang nét kiến trúc đậm chất châu Âu. Nơi đây thường xuyên diễn ra những chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm và giao lưu văn hóa giữa các nước với Việt Nam. 

Nhà hát Lớn mang đậm kiến trúc của châu Âu

Ngoài các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam kể trên, những hình ảnh quen thuộc và gắn bó với làng quê Việt Nam như cánh đồng lúa, lũy tre làng, mái đình,… cũng xuất hiện trong hộ chiếu phổ thông kiểu mới.

Quy trình cấp hộ chiếu phổ thông kiểu mới

Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Việt Nam khuyến khích người dân tự chủ động khai tờ khai yêu cầu cấp Hộ chiếu mới qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an.

Sau khi truy cập vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, người dùng đăng nhập và điền đầy đủ thông tin cần thiết. Bạn có thể chọn phương thức nhận hộ chiếu trực tiếp tại văn phòng cơ quan Xuất nhập cảnh hoặc nhận hộ chiếu qua dịch vụ bưu chính viễn thông Việt Nam.

Lưu ý: Từ tháng 07/2024, nếu muốn làm hộ chiếu online thì bạn phải sử dụng tài khoản định danh (VNeID) mức độ 2 do Bộ Công an cấp. 

Quy trình cấp hộ chiếu mới cho công dân Việt Nam

Quy trình cấp hộ chiếu mới cho công dân Việt Nam

Trên đây là các địa danh trên hộ chiếu Việt Nam cùng quy trình cấp hộ chiếu phổ thông kiểu mới mà May Travel đã tổng hợp và gửi đến bạn. Cần hỗ trợ làm hộ chiếu hoặc visa các nước thì liên hệ Hotline: 0933 094 119 – 028 3535 3316 để nhận tư vấn từ May Travel nhé!

Bài viết liên quan